(Bài viết về đề tài khóa luận của SV khóa 09DHHH)

 

TRÍCH LY DỊCH CHIẾT HOA VẠN THỌ VÀ ỨNG DỤNG VÀO PHỐI LIỆU SỮA RỬA MẶT

 

  Cây vạn thọ là một trong những loài cây quen thuộc mỗi dịp Tết đến Xuân về và chúng chỉ được sử dụng trong mục đích là trang trí nhà cửa hoặc thờ cúng. Tuy nhiên, ít ai quan tâm rằng trong cây vạn thọ có chứa nhiều thành phần hoạt tính sinh học nổi trội và có tác động tích cực đến sức khỏe của con người. Trong đó phải kể đến hoa vạn thọ chứa thành phần chính như là flavonoid, có tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm rất tốt cho da.

  Cây vạn thọ có tên khoa học là Tagetes erecta L. Ngoài ra, cây vạn thọ còn có tên gọi khác là African Marigold, thuộc họ Asteracea, chi Tagetes, loài T.erecta. Chúng có nguồn gốc tại khu vực kéo dài từ Tây Nam Hoa Kỳ qua Mexico và về phía Nam tới khắp Nam Mỹ. Cây được trồng nhiều ở Châu Á, Ấn Độ, Trung Quốc, và các nước khác có khí hậu nhiệt đới. Cây vạn thọ là loại cây thân thảo hàng năm hoặc lâu năm có chiều cao dao động từ 10 đến 30 cm. Các lá mọc xen kẽ ở đỉnh, dài đến 20 cm, hình lông chim, gồm 11 đến 17 lá, hình mác, dài đến 5 cm và rộng 1,5 cm, nhọn và có răng cưa. Hoa mọc thành từng nhóm nhỏ hoặc thành cụm hoa đơn độc, trên các chùm dài tới 15 cm, chúng là những chùm hoa có màu từ vàng đến đỏ. Trong hoa vạn thọ chứa nhiều thành phần có hoạt tính sinh học cao như: tanin, flavonoid, phenolic, steroid, triterpenoid, alkaloid, saponin, thiophene, carotenoid; có tác dụng kháng viêm và chống oxy hóa hiệu quả. Vì thế, việc ứng dụng dịch chiết hoa vạn thọ vào sản phẩm chăm sóc da rất hữu ích, như ứng dụng vào sản phẩm sữa rửa mặt. Quy trình trích ly dịch chiết hoa vạn thọ sử dụng phương pháp trích ly có hỗ trợ bằng sóng siêu âm với dung môi ethanol 96%, thời gian 60 phút trong điều kiện phòng thí nghiệm. Ngoài ra, khảo sát ảnh hưởng đồng thời của các yếu tố đến quá trình trích ly các hợp chất trong hoa vạn thọ sử dụng phương pháp bề mặt đáp ứng (Response Surface Methodology-RSM) kết hợp với mô hình thiết kế thí nghiệm phối hợp trực giao tâm xoay (Central Composite Design - CCD). Các yếu tố khảo sát bao gồm nồng độ ethanol, nhiệt độ và thời gian trích ly đến hiệu suất cao chiết; và đánh giá sự khác biệt có ý nghĩa giữa các thí nghiệm bằng phương pháp phân tích ANOVA và sử dụng phần mềm Design Expert 12.

  Kết quả khảo sát thu được hiệu suất cao chiết tối ưu là 78,56% với nồng độ ethanol là 79,67%, nhiệt độ trích ly đạt 56,08 oC trong 8,92 giờ (R2 = 0,9609). Dịch chiết hoa vạn thọ được ứng dụng vào phối liệu sữa rửa mặt, với thành phần khảo sát trong đơn gồm hai chất nhũ hóa glycol distearate và ceteareth-20. Chúng được đánh giá thông qua chỉ số cân bằng dầu - nước (HLB – hydrophilic lipophilic balance) nhằm tìm ra một hệ nhũ bền cho sản phẩm. Giá trị HLB có thể đánh giá được trạng thái (trong hay đục) của sản phẩm và đây còn là giá trị ảnh hưởng đến nền nhũ ổn định của sản phẩm. Tiến hành tính toán giá trị HLB của pha dầu gồm các thành phần tan trong dầu như dầu jojoba, dầu cám gạo, cetyl alcohol và triglyceride; và pha nhũ gồm hai thành phần nhũ glycol distearate, ceteareth-20. Kết quả thu được giá trị HLB pha nhũ là 9,520 lớn hơn giá trị HLB pha dầu là 9,217. Với kết quả trên đồng thời kết hợp với thực nghiệm thu được nền sản phẩm sữa rửa mặt dầu trong nước (O/W) ổn định, không bị tách lớp, và không bị đục. Đề tài đã sử dụng dịch trích hoa vạn thọ ứng dụng trong sản phẩm sữa rửa mặt. Sữa rửa mặt được phối chế không tạo bọt, có màu trắng hơi ngả vàng nhạt từ màu hoa vạn thọ, cung cấp độ ẩm hiệu quả cho da, an toàn dịu nhẹ, phù hợp cho da khô và da nhạy cảm.

 

Hình ảnh minh họa bài viết:

 

Hoa vạn thọ

 

 

 

Cánh hoa sau khi sấy khô và bột hoa vạn thọ

 

 

 

Sản phẩm sữa rửa mặt từ dịch chiết hoa vạn thọ