Sinh viên tạo tá dược từ hạt mít giúp thuốc tan trong 6 phút

Tinh bột từ hạt mít đã được nhóm sinh viên nghiên cứu dùng thay thế nguồn tinh bột phổ biến sản xuất tá dược từ ngũ cốc, khoai, sắn.

Hạt mít chứa 65 – 80% tinh bột (theo khối lượng chất khô) có thể sử dụng làm thành phần chủ yếu để sản xuất tá dược. Nhóm sinh viên từ Khoa Công nghệ kỹ thuật hóa học, Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM gồm Huỳnh Thị Anh Thư, Lê Nguyễn Phương Thanh, Nguyễn Thị Huệ Chi, Nguyễn Quỳnh Như đã tận dụng tinh bột từ hạt mít để thay thế nguồn tinh bột đang dùng sản xuất tá dược là ngũ cốc, khoai, sắn.

Nhóm nghiên cứu thực hiện carbonxymethyl hóa tinh bột hạt mít.
Nhóm nghiên cứu thực hiện carbonxymethyl hóa tinh bột hạt mít.

Hạt mít sau khi loại vỏ trắng và vỏ nâu được nghiền nhỏ với nước, tỷ lệ nguyên liệu và nước là 1:5 (khối lượng/thể tích), bỏ bã, để lắng 3 ngày. Tinh bột thu được với hiệu suất thu hồi khoảng 27.11% đưa vào tủ sấy ở 50 độ C trong một ngày để thu được tinh bột hạt mít nguyên chất.

Tinh bột hạt mít trải qua quá trình phản ứng hóa học với axit chloroactetic (CH2ClOOH) hoặc muối natri chloroactat (CH2ClCOONa) để tạo thành tinh bột carboxymethyl (CMS). Tinh bột CMS có độ trương nở, hòa tan cao hơn so với tinh bột nguyên liệu hạt mít, đặc biệt có độ ổn định cao so với môi trường.

Thử nghiệm tá dược sản xuất từ tinh bột CMS để tạo thành viên paracetamol 350mg cho thấy, khi thuốc vào cơ thể đã tan chỉ trong 6 – 7 phút. Mức độ hòa tan và khả năng trương nở (rã thuốc) này tương đương 2 loại tá dược thương phẩm phổ biến trên thị trường là primogel và explotab.

Tinh bột carbonxymethyl từ hạt mít sau sấy sẵn sàng để sản xuất tá dược. Ảnh: NVCC.
Tinh bột carbonxymethyl từ hạt mít sau sấy sẵn sàng để sản xuất tá dược. Ảnh: NVCC.

Tại Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2019, đề tài nghiên cứu được trao giải khuyến khích. Hội đồng chuyên môn đánh giá đề tài nghiên cứu đã tìm ra nguyên liệu tinh bột mới tốt hơn, chi phí thấp hơn (thay thế cho nguồn nguyên liệu phổ biến), dễ thu hồi để chế tạo CMS, không cạnh tranh với nhu cầu tiêu thụ tinh bột hàng ngày của con người, có tiềm năng mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp.

Huỳnh Thị Anh Thư, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình trên quy mô phòng thí nghiệm để tiến tới đưa sản phẩm phẩm tinh bột carboxymethyl chế tạo từ tinh bột hạt mít ra thị trường.